Đang gửi...

Tập đoàn Hà Đô nghiên cứu đầu tư cụm công nghiệp tại Ninh Thuận

22/01/2024

Nhằm phát triển và mở rộng lĩnh vực hoạt động, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô hiện đang tiến hành các thủ tục để nghiên cứu đầu tư dự án cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Là địa phương có dư địa phát triển lớn, với vị trí cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Tây nguyên và Nam Trung bộ, Ninh Thuận sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước. Nơi đây được Tập đoàn Hà Đô xác định là địa bàn giàu tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội cho phát triển khu công nghiệp. 

Năm 2023, Ninh Thuận có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh thành cả nước và xếp thứ 2 so với các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. GRDP bình quân đầu người năm 2023 của địa phương đạt 87,7 triệu đồng/người, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng. Năng lực cạnh tranh của Ninh Thuận cũng đang được cải thiện đáng kể, chỉ số PCI xếp thứ 30/63, chỉ số chuyển đổi số xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố.

Hiện Ninh Thuận đang trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư, đồng thời sẵn sàng ban hành những quyết sách ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Với lợi thế về quỹ đất công nghiệp, tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp là Du Long, Phước Nam, Thành Hải với quy mô trên 855ha, cùng Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 827ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Ninh Thuận - Điểm sáng phát triển công nghiệp

Mới đây, Tập đoàn Hà Đô đã gửi công văn tới Sở Công thương Ninh Thuận về việc đề xuất chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và thực hiện các thủ tục pháp lý đăng ký làm chủ đầu tư dự án các Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, tọa lạc gần Khu công nghiệp Cà Ná.

Hai cụm công nghiệp Phước Nam 1 và cụm công nghiệp Phước Nam 2 đều có quy mô 50 ha. Ngành nghề hoạt động bao gồm: tập trung các ngành công nghiệp ít gây ảnh hưởng đến môi trường, có công nghệ cao, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó ưu tiên sản xuất lắp ráp cơ khí, điện tử, tin học; vật liệu xây dựng; may mặc, giày da xuất khẩu...; các ngành khai khoáng, các ngành sản xuất điện, năng lượng mới như: Hydrogen, điện sinh khối...; các ngành tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và các ngành nghề khác phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương.