• VN
  • EN
ic-search

CÓ THỂ BẠN ĐÃ BIẾT!

15/06/2024

Không hiểu cảm xúc từ đâu mà trong tất cả các cuộc phát biểu tại Hà Đô nhân ngày sinh nhật, gặp mặt hoặc chia tay ai đó, Tôi luôn nghẹn lời. Đó là cảm xúc chân thật nhất.

Cảm ơn Ban Điều hành, cảm ơn các anh, các chị đã dành những lời tốt đẹp cho Tôi. Rất tiếc đã có những người không thể có mặt tại đây hôm nay, xin cho Tôi một phút để tưởng nhớ với sự trân trọng nhớ thương và cảm ơn sâu sắc!

Thương trường là chiến trường, không có một trận chiến đấu nào không có sự hy sinh mất mát. Với đội ngũ đầy đức hy sinh với nghị lực cao, kiến thức cốt lõi kinh doanh, cần cù sáng tạo, quyết đoán, toàn công ty một ý chí cùng sự sẻ chia và tính kỷ luật cao, chúng ta đã thắng! Xin chân thành cảm ơn các bạn, những người đã đi suốt chặng đường với Hà Đô và có những người không còn trong đội ngũ. Nhưng thành công của Hà Đô hôm nay còn in đậm dấu ấn của các bạn. Người Hà Đô luôn cầu mong bình an, thịnh vượng cho các bạn!

Các bạn không chỉ còn là của các bạn, gia đình mình, của đất nước mà còn của Hà Đô! 

Chúng ta đã lớn lên phát triển qua nhiều giai đoạn gian khó thăng trầm của đất đước, của quân đội và của chúng ta với sự hy sinh vô tư trong sáng, nghị lực phấn đấu không ngừng nghỉ. Tôi là người đầu tiên trong tám người đầu khi Tôi khai sinh ra Công ty Xây dựng Hà Đô và cũng là người cuối cùng “được chuyển trạng thái”. Cảm ơn các anh chị rất nhiều đã cùng chung lưng đấu cật, quyết tâm với một niềm tin vững chắc vào Tôi, vào con đường xây dựng mà chúng ta lựa chọn: Các bạn luôn phấn đấu sản xuất tạo ra sản phẩm tốt lành phục vụ xã hội luôn xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu Hà Đô ngay trong những ngày bao cấp, khủng hoảng sau chiến tranh. Chúng ta đã tạo nên những sản phẩm thông minh đầy sáng tạo trong quản trị, điều hành, marketing và chế tạo sản phẩm thông minh trước khi có “bình minh” của nền kinh tế đất nước (từ những năm 1983, 1984). Đây là thời kinh tế tập trung bao cấp, tem phiếu nhưng khủng hoảng. Vì không được lưu thông hàng hóa thực phẩm, nhu yếu phẩm từ tỉnh nọ sang tỉnh kia. Năm 1986 Liên bang Xô viết sụp đổ và sau đó có chuyển biến xóa bao cấp. Lúc này người dân không biết gì kinh doanh thương mại, doanh nghiệp. Sau 30 năm, năm 2013 Việt Nam mới có kỷ niệm ngày Doanh nhân. Trong bối cảnh ấy, những doanh nghiệp có pháp nhân từ những năm 1990 là những doanh nghiệp đi tiên phong mà có khả năng duy trì được phát triển liên tục cho tới nay thì có thể tính trên bàn tay. Hơn nữa Hà Đô là doanh nghiệp nhà nước mà đi lên từ hai bàn tay trắng ở một Viện Khoa học Công nghệ Quân sự không một đồng vốn của nhà nước.

Cảm ơn Viện Kỹ thuật Quân sự đã tạo cho chúng ta môi trường khoa học với tư duy sáng tạo và luôn trân trọng quyền tự do dân chủ và pháp luật. Hỗ trợ hiệu quả chỉ tình đồng chí đồng đội khi ta tai nạn, hoạn nạn. Mỗi chúng ta trưởng thành về mọi mặt như ngày hôm nay, Tập đoàn Hà Đô phát triển, đóng góp nhiều cho Viện, cho quân đội và cho đất nước xứng đáng là niềm tự hào của Viện Kỹ thuật Quân sự. Tập đoàn Hà Đô là đứa con ưu tú của Viện! Có thành công đó là do chúng ta luôn khéo léo vận dụng, sự minh bạch khách quan, sự đồng lòng chia sẻ của cán bộ công nhân viên.  

Là một doanh nghiệp quân đội mà chúng ta luôn chủ động và được tôn trọng trong công tác tổ chức, bổ nhiệm, tuyển dụng, đãi ngộ. Chúng ta luôn cảm ơn và ghi nhận về điều đó của Viện Kỹ thuật Quân sự của Bộ Quốc phòng. Sự giàu lòng hy sinh, sự minh bạch khách quan, tư duy khoa học, hành động thực tiễn, sự đồng lòng sẻ chia của cán bộ sĩ quan công nhân viên là truyền thống của chúng ta! Tôi luôn mong truyền thống đó được phát triển vững bền qua các thế hệ Hà Đô.

Hà Đô là một trong những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa đầu tiên của Việt Nam và đặc biệt là của Bộ Quốc phòng. Chúng ta đã chủ động lựa chọn theo phương thức mang tính quy luật của nền kinh tế thế giới từ rất sớm, và chính điều đó đã đặt nền tảng cho Tập đoàn Hà Đô hùng mạnh ngày hôm nay!

Tôi nhớ như in hơn 46 năm trước, một Thượng úy cao ráo có gương mặt thông minh, sáng láng, với ảnh mắt thông minh niềm nở ra cổng đón Tôi ở nhà tiếp khách của Viện Kỹ thuật Quân sự. Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội để dẫn Tôi vào đầu quân cho Ban Quy hoạch, Thiết kế và Xây dựng Cơ bản. Lúc này, viện KTQS trực thuộc Bộ Quốc phòng có quy mô và vai trò lớn hơn rất nhiều so với Viện Khoa học Việt Nam. Tôi không ngờ đó là ngày đặt nền móng cho Tập đoàn Hà Đô sau này!

Có nhiều người hỏi tại sao lại tên Hà Đô. Nó được khôn khéo giữ vững sau nhiều lần sát nhập thay đổi.

Gọi là Viện Kỹ thuật Quân sự nhưng là đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ cao nhất của khoa học và công nghệ quân sự của Việt Nam. Viện chuyên nghiên cứu về vũ khí để phòng chống đánh trả với khoa học công nghệ tiên tiến của Mỹ (Tôi đã từng được giao cùng nhóm đề tài của Viện tham gia nghiên cứu khôi phục hàng rào điện tử McNamara, đề tài lọc nước biển, đảm bảo cho sinh hoạt của bộ đội và một số đề tài khác …).

Cuộc chiến tranh kết thúc năm 1975. Viện Kỹ thuật Quân sự được giao tiếp quản Viện Nguyên tử hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm Toán máy tính của IBM của Mỹ, Tổng kho Long Bình và toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

Sau chiến tranh, kinh tế đất nước khó khăn do các nước phe xã hội chủ nghĩa cắt viện trợ. Viện Kỹ thuật Quân sự phải tổ chức cho cán bộ tham gia chăn nuôi gia tăng sản xuất tại cơ sở 2 hàng trăm hecta ở Tam Nông Vĩnh Phúc và ở Nghĩa Đô. Xét thấy chăn nuôi cá thịt không hiệu quả chúng ta đã thương mại hóa nông nghiệp bằng thuê chuyên gia chăn nuôi cá giống, chúng ta đã mang cá giống đi bán tại mặt trận Bắc Lào, vùng cao phía Bắc và miền tây Nghệ An. Hồi đó đang cấm lưu hàng hóa nhưng chúng ta đã xin phép mang được nông sản về để hiệu quả hai chiều cho chuyến đi. Là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ Viện giao, được Viện trao tặng nhiều bằng khen giấy khen, bản thân Tôi được tặng nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Viện.

Trong thời kỳ này Tôi đã hợp tác với pháp nhân của hợp tác xã Nội Duệ, Bắc Ninh, trường Đại học Xây dựng Hà Nội để nhận thầu xây dựng nhiều công trình cho Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước, Quân chủng Phòng không Không quân… Có duyên với Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước, sau này Tôi đã hợp tác tới pháp nhân của Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước nhận thầu nhiều công trình dân dụng khác trước khi thành lập pháp nhân Hà Đô năm 1990.

Như đã nói cuối thập kỷ 70 và thập kỷ 80 là thập kỷ khó khăn sau chiến tranh vì bị các nước XHCN cắt viện trợ, không ai biết làm kinh tế do “tất cả dành cho tiền tuyến” nhiều năm. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với một nền nông nghiệp thô sơ lạc hậu “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Lúc này đi tìm việc làm không khó lắm nhưng khó là tổ chức làm, khó vì trăm bề bó buộc. Và đặc biệt khó là không lấy được tiền hoặc lấy tiền séc thì không đổi ra tiền đồng để tiêu được. Vì thế phải hợp tác với hợp tác xã Nội Duệ để chuyển tiền đi mua trâu bò nhu yếu phẩm cho dân về hợp tác xã bán lấy tiền mặt trừ % chi phí còn lại trả cho mình.

Nhiều khi các chủ đầu tư không có tiền trả nhân công nhận thầu mà trả bằng hiện vật như xi măng, sắt thép, xăng, dầu… tóm lại là những gì họ có. Vậy ta chuyển hóa bằng cách nào.

Nửa cuối của thập kỷ 80 thì Tổng Công ty Thi công cơ giới Bộ Xây dựng và Tổng Công ty Thi công cơ giới Hà Nội (tiền thân của UDIC) do ông Đỗ Hoàng An làm Tổng Giám đốc (sau này Ông là Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội) là nhà thầu phụ thường xuyên của Tôi tại các công trình.

Cảm ơn các cán bộ sĩ quan Viện KTQS đã đồng hành với Tôi như anh Y, anh Năm, anh Hòe Viện trưởng Thuốc phóng thuốc nổ, anh Kháng Viện Tự động hóa và nhiều cán bộ bộ khác. Cảm ơn ông Nguyễn Trọng Hiệp, ông Nguyễn Trọng Quốc và ông Nguyễn Trọng Cổn (bố Tôi), anh Bình, anh Toan đã đồng hành trong thời kỳ này. Cảm ơn các cán bộ Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước như ông Quốc, anh Kỳ…các cán bộ giảng dạy trường Đại học Xây dựng Hà Nội và các trường khác như anh Dựa, anh Dũng, anh Thắng, anh Tuấn… xin cảm ơn cả những người ủng hộ mà tôi chưa có điều kiện để nhắc tên ở đây…

Xin cảm ơn tất cả!

Như các bạn đã nói trong gặp mặt và Tôi cũng rất đồng tình là không có một cuộc chia tay nào. Chỉ đơn giản là “chuyển trạng thái”, nhưng không hiểu tại sao chỉ nghĩ thế thôi Tôi đã nghẹn lời… bùi ngùi… quyến luyến… và dòng lệ âm thầm lăn trong đêm sâu…

Cảm ơn, cảm ơn các bạn rất nhiều đã nỗ lực, đã đồng hành xây dựng, có người đã cứu sống Tôi trong tai nạn. Xin trân trọng cảm ơn “nửa kia” của các bạn đã chung lưng đấu cật, đã hy sinh thầm lặng để cho các bạn toàn tâm toàn ý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hà Đô phát triển bền vững vì chúng ta luôn phấn đấu để sản xuất ra sản phẩm tốt lành phục vụ xã hội, có sức cạnh tranh cao, vận hành doanh nghiệp theo pháp trị. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận sự đóng góp của Hà Đô cho xã hội bằng Huân chương lao động Hạng một, hai, ba. Cá nhân Tôi cũng thế. Hà Đô tự hào là “cái nôi đào tạo ra rất nhiều doanh nhân cho đất nước”, ai đã qua Hà Đô có quyền tự hào về thương hiệu của mình. Xin cảm ơn con cái các bạn đã đồng hành cùng Tập đoàn Hà Đô vì đó là điều mong mỏi của Tôi. Tôi luôn hy vọng các bạn tiếp tục là nguồn cảm hứng về Hà Đô cho không những con mà còn cháu các bạn và hơn thế…

Theo Tôi dù chuyển trạng thái nhưng theo lý thuyết “về nền văn minh nhân loại” của Giáo sư Kasaep và các Giáo sư khác, tuổi thọ con người là 150 tuổi. Người cao nhất trong các bạn mới đi được 48% quãng đường. Hãy vận hành tiếp hơn một nửa còn lại thật vui vẻ lạc quan. Chúc các bạn và “một nửa” của các bạn luôn bình an!

Thường khi về già có 5 điều là con người ta ân hận, đó là:
1. Tuổi trẻ đã không nỗ lực rèn luyện học tập phấn đấu.
2. Đã chọn sai con đường mình đi.
3. Không chăm lo giáo dục con cái hoặc đã sai trong giáo dục con.
4. Phí hoài sức, không chăm lo cho sức khỏe của mình kịp thời.
5. Không quan tâm, trân trọng người bạn đời của mình.

Cá nhân Tôi đã phải trả giá cho điều này hay điều kia, các bạn đã hoàn thành xuất sắc tất cả những điều trên. Tôi tự hào đã đồng hành cùng các bạn gần nửa thế kỷ qua.

Trong bay vũ trụ và hàng không thì hạ cánh bao giờ cũng nguy hiểm hơn. Tôi bây giờ cũng thế. Chúng ta đã cất cánh từ số không với một đường bay, với một quỹ đạo dài 34 năm. Cán bộ ta được trưởng thành qua năm tháng với một độ phức tạp phù hợp, một thị trường sơ khai, tính cạnh tranh thấp.

Nhưng không sao, như các bạn đã thấy chiến lược của chúng ta luôn đúng. Hội đồng quản trị cũng đã có chiến lược đúng cho 7 tháng cuối năm và hai năm 2025, 2026 khó khăn và nhiệm kỳ 2024-2028.

Cầu mong các bạn luôn bình an! 

Tôi đang có một dự án phù hợp với phần sau của các bạn đã qua 48%, Tôi hy vọng sẽ được chia sẻ cùng các bạn. 
Chúc các bạn luôn bình an!

Hà Nội, Ngày 15 tháng 06 năm 2024
TẬP ĐOÀN HÀ ĐÔ
CHỦ TỊCH

(Đã ký)
Nguyễn Trọng Thông

Đang gửi...